Đường huyết (đường máu) dùng để chỉ lượng đường glucose trong máu. Giá trị này được sử dụng làm tiêu chí chẩn đoán cũng như là thước đo để đánh giá kết quả điều trị bệnh tiểu đường. Phụ thuộc vào từng đối tượng cụ thể, với người chưa bị bệnh, người mới được chẩn đoán hay người ở giai đoạn tiền tiểu đường, tại các thời điểm khác khau, thì ngưỡng giá trị an toàn của chỉ số đường huyết sẽ không giống nhau.
Đường huyết là gì và được đo như thế nào?
Đường huyết là nồng độ đường glucose đo được trong máu. Glucose là loại đường đơn giản nhất, được chuyển hóa từ thực phẩm có chứa tinh bột, đường như: gạo, sắn, ngô, khoai, các loại củ, các loại đường… Đây là nguồn cung cấp “nhiên liệu” chính, đảm bảo cho sự hoạt động trơn tru của các tế bào.
Bởi chỉ số đường huyết không nhất quán trong ngày, nên để thống nhất, người ta sẽ dựa vào 4 xét nghiệm sau đây:
1. Xét nghiệm đường máu ngẫu nhiên: Mẫu máu được lấy tại các thời điểm bất kỳ
2. Xét nghiệm đường máu lúc đói: Mẫu máu được lấy ít nhất 8h sau ăn
3. Xét nghiệm dung nạp glucose: Người bệnh phải uống 75gr glucose, sau đó lấy mẫu máu kiểm tra sau 2, 4, 6, 8h…
4. Xét nghiệm chỉ số HbA1c: Là giá trị phản ánh nồng độ đường huyết trung bình trong vòng 2-3 tháng qua, cho kết quả chính xác, ít sai lệch.
Đường huyết bao nhiêu là bình thường và khi nào thì bị bệnh tiểu đường?
Đơn vị đo đường huyết có thể tính bằng mg/dL hoặc mmol/l. Cách quy đổi chỉ số đường huyết từ mg/dL ra mmol/l được tính như sau: 1 mmol/l = 18mg/dL.
Ví dụ:
7mmol/l tương đương với 7x18 = 126mg/dL
200 mg/dL tương đương với 200:18 = 11.1mmol/l
Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh tiểu đường và mức đường huyết bình thường sẽ được tóm tắt trong bảng sau:
Chỉ số đường huyết thấp dưới 3.9mmol/l (70mg/dL) thì sẽ có dấu hiệu hạ đường huyết như bủn rủn tay chân, đói cồn cào, người mệt mỏi, vã mồ hôi… Nhưng vẫn có những người dưới mức đường huyết này mà thể trạng hoàn toàn bình thường, được xem là đường huyết thấp cơ địa.
XEM THÊM: Những lầm tưởng khiến việc điều trị tiểu đường thêm khó khăn
Ở người bệnh tiểu đường chỉ số đường huyết bao nhiêu là tốt?
Trên thực tế, khó có một ngưỡng giá trị đường huyết an toàn chung cho người bệnh tiểu đường. Bởi mỗi bản thân một người bệnh sẽ có một mục tiêu riêng. Tuy nhiên, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ thống nhất, ngưỡng giá trị đường huyết an toàn khi đói mà người bệnh nên đạt được như sau:
- Người bệnh tiểu đường dưới 59 tuổi và chưa xuất hiện biến chứng: 4.4-6.7mmol/l (80-120mg/dL)
- Người bệnh trên 60 tuổi hoặc đã mắc các biến chứng: 5.6-10 mmol/l (100-180mg/dL)
- Chỉ số HbA1c nên dưới 7%
Trước khi đi ngủ, người bệnh cũng cần kiểm tra đường huyết, bởi điều này sẽ giúp hạn chế được nguy cơ hạ đường huyết trong giấc ngủ. Chỉ số nên đạt được là:
- Từ 5-8.3mmol/l (90-150mg/dL) cho người lớn
- Từ 5.6-10mmol/l (100-180mg/dL) đối với trẻ em từ 6-12 tuổi
- Từ 6.1-11.1mmol/l (110-200mg/dL) đối với trẻ dưới 6 tuổi
Chỉ số đường huyết sau ăn
Bình thường sau khi ăn, cơ thể sẽ tiết ra insullin và amylin để hạ đường huyết. insullin sẽ giúp đường nhanh chóng được vận chuyển vào tế bào, còn amylin sẽ làm chậm quá trình di chuyển của thức ăn xuống dạ dày, làm tăng cảm giác no. Tuy nhiên, khi mắc bệnh tiểu đường, chất lượng và số lượng 2 hormon này đều bị suy giảm, dẫn tới đường huyết tăng cao và xuống chậm sau khi ăn.
Về lý thuyết, tăng đường huyết sau ăn chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng nếu tình trạng này kéo dài liên tục trong nhiều tháng có thể làm tăng chỉ số HbA1c, từ đó làm tăng nguy cơ xuất hiện biến chứng. Ở người bệnh tiểu đường type 1, tăng đường huyết sau ăn làm tăng nguy cơ bị biến chứng võng mạc và suy thận, ngược lại người bệnh tiểu đường type 2 sẽ là biến chứng trên tim mạch.
Để kiểm tra đường huyết sau ăn, người bệnh nên đo sau thời điểm ăn ít nhất 1h, và tốt nhất là sau 2h, tính từ thời điểm bạn bắt đầu ăn. Chỉ số này sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng người, thể trạng cơ thể, loại tiểu đường mắc phải cũng như từ chính thực phẩm mà bạn ăn.
Chỉ số đường huyết sau ăn 1-2h tốt nhất nên đạt được là:
Các thời điểm nên kiểm tra đường huyết trong ngày
Đường huyết nên được kiểm tra vào trước khi ăn, sau ăn 2h và trước khi đi ngủ. Bạn cũng có thể kiểm tra đường huyết tại các thời điểm sau:
- Sau khi bạn dùng bữa ở bên ngoài hoặc khi ăn các thực phẩm mà lúc bị bệnh chưa từng ăn
- Cảm thấy người mệt mỏi
- Trước và sau khi tập thể dục
- Công việc hoặc cuộc sống gần đây có nhiều căng thẳng
- Bạn ăn nhiều hơn bình thường
- Bạn phải chuyển qua dùng thuốc mới hoặc phối hợp thêm các thuốc hạ đường huyết khác
Bạn cần ghi chép lại kết quả đo được trong một cuốn sổ nhỏ, sau đó theo dõi chỉ số đường huyết đo được với chỉ số đường huyết mục tiêu. Nếu lượng đường trong máu của bạn cao hơn so với chỉ số mục tiêu trong 3 ngày mà không tìm được lý do, bạn cần thông báo cho bác sĩ để được giúp đỡ.