Mục lục [Ẩn]
Theo các chuyên gia, bên cạnh chế độ ăn uống và dùng thuốc, việc tập thể thao phù hợp cũng rất cần thiết cho bệnh nhân tiểu đường. Dưới đây là các bài tập thể dục tốt cho người bệnh tiểu đường và các lưu ý khi tập luyện, mời bạn tham khảo!
Đâu là bài tập thể dục cho người bệnh tiểu đường?
Tập thể dục thể thao mang lại những lợi ích gì cho bệnh nhân tiểu đường?
Tập thể dục thể thao phù hợp mang lại những lợi ích sau cho bệnh nhân tiểu đường:
- Giúp kích hoạt hấp thu lượng đường dư thừa: Vận động giúp kích thích các cơ và cơ quan hấp thu glucose từ máu, từ đó giúp hạ đường huyết cho bệnh nhân tiểu đường.
- Giảm cân: Giảm cân rất quan trọng với bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh tiểu đường giảm 5 - 10 % trọng lượng cơ thể có thể giúp cải thiện mức HbA1c (chỉ số phản ánh đường huyết trung bình trong ba tháng).
- Giảm mỡ nội tạng: Mỡ nội tạng làm tình trạng kháng insulin của bệnh nhân tiểu đường càng trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, bệnh nhân tiểu đường giảm được mỡ nội tạng sẽ góp phần cải thiện tình trạng kháng insulin.
- Cải thiện sức khỏe mạch máu: Khi vận động, quá trình vận chuyển oxy và các chất dinh dưỡng trở nên thuận lợi hơn. Từ đó, tập thể dục giúp cải thiện sức khỏe mạch máu, giảm nguy cơ mắc phải biến chứng thần kinh, thị lực và tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường.
- Tăng cường sức khỏe các khớp: Đau khớp liên quan đến bệnh tiểu đường, cứng vai gây hạn chế vận động. Người bệnh có thể giảm đau khớp, cải thiện chức năng vận động khi tập thể dục.
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ: Người bệnh tiểu đường nên dành ít nhất 150 phút hoạt động thể chất mỗi tuần.
Các bài tập thể dục cho người bệnh tiểu đường
Đi bộ
Đi bộ là môn thể dục rất đơn giản, không cần dụng cụ và quá nhiều sức lực. Môn thể thao này phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi và người ít vận động. Bạn nên đi bộ nhanh với 30 phút mỗi ngày và 5 ngày một tuần để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đạp xe
Đạp xe là bài tập đơn giản, nhẹ nhàng cho bệnh nhân tiểu đường. Bên cạnh các lợi ích được nêu ở trên, khi bạn đạp xe, máu sẽ được tăng cường lưu thông về chân, giảm biến chứng trên chân của bệnh tiểu đường.
Bệnh nhân tiểu đường nên đạp xe từ 20 - 30 phút một ngày và 3 - 5 lần một tuần.
Yoga
Yoga giúp bệnh nhân tiểu đường kiểm soát tốt đường huyết, cholesterol trong máu và cân nặng. Hơn nữa, yoga giúp bệnh nhân tiểu đường giải tỏa căng thẳng, stress, có một tinh thần thoải mái. Đây là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh tiểu đường.
Đây là bài tập nhẹ nhàng, tăng cường sức mạnh cho nhiều loại cơ, giúp cải thiện khả năng vận động cho người lớn tuổi và người bệnh tiểu đường có biến chứng thần kinh.
Yoga mang lại lợi ích trên nhiều mặt cho bệnh nhân tiểu đường.
Các lưu ý khi tập bài tập thể dục cho người bệnh tiểu đường
Trước khi tập luyện, người bệnh tiểu đường nên chú ý những điều sau:
- Nên tập vào chiều tối, đi bộ nhẹ nhàng sau bữa ăn, tránh tập vào buổi sáng sớm trước khi ăn sáng, lúc đang đói,... để tránh hạ đường huyết đột ngột.
- Tập nơi thoáng mát, hạn chế vận động nhiều khi thời tiết quá nóng hay quá lạnh.
- Nếu tập ở ngoài trời, bệnh nhân nên mang theo áo chống nắng.
- Nên chọn giày thể thao phù hợp với từng bài tập giúp vận động thoải mái, tránh chấn thương. Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên sử dụng đế giày bằng silicagel, đi tất polyester hoặc cotton-polyester để ngăn ngừa phồng rộp và giữ cho bàn chân khô ráo.
- Nên uống 500-600ml nước vào khoảng 2-3 giờ trước khi tập thể dục để tránh mất nước, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
- Khởi động nhẹ nhàng 5 phút trước khi tập để giúp tăng dần nhiệt độ cơ thể, máu lưu thông tốt hơn, ngừa đau khớp, chuột rút…
Uống nước sau khi tập thể dục để tránh mất nước
Mong rằng với bài viết này, bạn đọc đã nắm được các bài tập thể dục cho bệnh nhân tiểu đường. Người bệnh nên duy trì luyện tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức đề kháng, kiểm soát lượng đường trong máu, cải thiện chất lượng cuộc sống. Chúc bạn đọc nhiều sức khoẻ!
XEM THÊM:
- Cảm giác nóng rát bàn chân ở người tiểu đường - Làm sao để cải thiện?
- Đường huyết cao gây ảnh hưởng thế nào tới sinh sản?